Tăm là đồ vật quen thuộc với mọi thế hệ người Việt, ngày nay trên thị trường có nhiều loại tăm được làm từ chất liệu khác nhau nhưng gần gũi nhất là tăm tre. Thường những chiếc tăm tre được mài nhẵn bóng hoặc vót nhọn hai đầu. Tuy nhiên, tăm Nhật lại khác, nó có khắc rãnh ở phần đuôi. Nhiều người tưởng rằng, đây chỉ là một kiểu thiết kế cho đẹp mắt nhưng suy nghĩ của người Nhật lại không chỉ đơn giản như thế. Vậy lý do gì các loại tăm tre đó lại phải khắc như vậy, hãy cùng Genki tìm hiểu nhé.
Để đánh dấu tăm đã sử dụng
Những vòng khấc nhỏ ở phần đuôi tăm sẽ được người dùng bẻ đi sau khi sử dụng. Đây như một cách làm dấu cho một chiếc tăm đã qua sử dụng. Bên cạnh đó, vòng khoanh tròn ở đuôi tăm sẽ được người dùng bẻ ra để gác chiếc tăm lên, điều này giúp phần tăm đang sử dụng không bị vấy bẩn.
Ví cây tăm như búp bê Kokeshi
Trước kia tăm được sản xuất bằng cách cưa. Tuy nhiên cách làm này có độ chính xác thấp, đồng thời bề mặt cắt bị xù xì, mất thẩm mỹ. Để khắc phục tình trạng này, thợ làm tăm chuyển qua sử dụng máy mài, thế nhưng lại khiến đuôi tăm bị đen do ma sát. Các nhà sản xuất lo lắng rằng điều này khiến tăm trông bẩn và không thể bán được. Khi họ đang tìm kiếm giải pháp, một người đã nêu lên ý tưởng là ví những cây tăm giống như Kokeshi, một loại búp bê gỗ truyền thống.
Búp bê Kokeshi là một món quà lưu niệm đặc trưng của đất nước Nhật Bản, ban đầu nó mang ý nghĩa như lời cầu chúc sức khỏe cho những đứa trẻ. Ngoài ra, chúng cũng được xem như một loại bùa may mắn giúp ngừa hỏa hoạn hoặc thậm chí xua đuổi ma quỷ. Việc thêm các rãnh vào cây tăm vô cùng đơn giản và không tốn quá nhiều chi phí, đồng thời khắc phục nhược điểm lớn của cây tăm. Kể từ đó, các loại tăm này được sử dụng rộng rãi, dẫn đến thiết kế được hầu hết các nhà sản xuất Nhật Bản ưa chuộng cho đến ngày nay.