Tinh hoa ẩm thực Nhật Bản

Ẩm thực Nhật Bản không lạm dụng quá nhiều gia vị mà chú trọng làm nổi bật hương vị tươi ngon, tinh khiết tự nhiên của món ăn. Hương vị món ăn Nhật thường thanh tao, nhẹ nhàng và phù hợp với thiên nhiên từng mùa.

Sushi – kiệt tác ẩm thực Nhật Bản

Nếu nói đến nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của Nhật Bản, hẳn chúng ta không thể bỏ qua sushi, một món ăn kết hợp cơm với hải sản sống hoặc chín, sử dụng phương pháp bảo quản cá bắt nguồn từ Trung Hoa cổ. Do có nguồn hải sản phong phú, người Nhật thường sử dụng hải sản và thưởng thức cùng với các gia vị chế biến bổ trợ để tạo nên độ tươi, hương vị nguyên chất, và cảm nhận hết cái ngon của các loại hải sản giàu protein này. Sushi chính là một kiệt tác thành công trong cách chế biến ẩm thực của người Nhật Bản.

Để làm đươc một đĩa sushi đúng vị và đúng nghĩa không phải là một điều dễ dàng, đòi khỏi rất nhiều khâu chế biến và sự tỉ mỉ của người thợ. Nước dùng để nấu cơm phải là nước tinh khiết để nấu được những hạt cơm dẻo, thơm, không bị nát, độ mềm vừa phải tạo sự kết dính. Hải sản phải tươi để có được độ ngậy và hương vị nguyên chất khi thưởng thức. Khi tiến hành công việc chế biến, để món ăn giữ được độ tinh khiết và vị ngon, các đầu bếp thường sử dụng các dụng cụ làm bằng gỗ bởi chất chua trong gạo khi trộn cơm với dấm sẽ phản ứng nếu như dùng bằng chất liệu bằng kim loại. Ngoài ra, họ còn sáng tạo trong cách trang trí tỉa hoa quả, nắm cơm theo hình thù nghệ thuật, kết hợp màu làm từ nguyên liệu tự nhiên để món ăn thêm màu sắc và đa dạng hương vị.

Trong thực đơn sushi của người Nhật bản, có 6 loại cơ bản gồm Nigirizushi, Chirashizushi, Makimono, Gunkan, Oshizushi, và Temaki. Mỗi loại sushi đều mang mùi vị và đặc trưng của từng vùng, như sushi Nigirizushi là loại sushi chúng ta thường thấy: gồm một nắm trộn dấm, bên trên có đặt một miếng hải sản ăn kèm xì dầu, gừng tím muối chua.
Makimono: thì gần giống như với cách làm của gimbap hàn quốc. Hải sản và các nguyên liệu củ quả sẽ được gói trong lớp rong biển rồi cắt thành từng khoanh nhỏ. Có một loại sushi đặc biệt mà mọi người ít thấy đó là Chirashizushi: được chế biến đặc biệt theo phong cách kiểu Tokyo và Osaka. thức ăn sẽ được xếp lên bề mặt một tô cơm trộn giấm. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là Temaki: gồm một lớp rong biển sẽ được nướng sơ qua, rải đều cơm trộn dấm và các loại hải sản, rau củ quả vào giữa rồi nặn theo hình nón.
Món ngon chinh phục cả thế giới – Tempura
Tempura là món ăn thứ hai của Nhật Bản được cả thế giới biết đến sau Sushi, nhưng đây lại là món ăn có xuất xứ từ châu Âu. Tempura được du nhập vào Nhật Bản từ thời kỳ Edo, được những người truyền giáo Bồ Đào Nha đem đến. Sau một thời gian du nhập vào Nhật Bản, Tempura đã được cải biến lại cho phù hợp với khẩu vị của người Nhật. Vào cuối thế kỉ thứ 19 Tempura đã trở thành món ăn phổ biến tại Tokyo và được bán tại các quầy hàng ở ven đường.

Với bản tính sáng tạo và ưa thích sự hoàn mỹ, người Nhật đã cải biến Tempura theo nhiều cách khác nhau và trang trí cũng đẹp hơn. Ngày nay, Tempura không còn là một món ăn du nhập từ nước ngoài nữa mà nó đã trở thành món ăn đặc trưng của nền văn hóa ẩm thực Nhật Bản.


Tempura gồm các loại hải sản, phổ biến nhất là tôm, mực, cá, một số loại rau củ như bí ngô, cà tím dài, khoai lang, lá tía tô, ớt ngọt, đỗ ván, nấm tươi…Điều làm nên sự khác biệt giữa Tempura với các món có tẩm bột rán như Furai, Kara age chính là cách chế biến bột Tempura và phụ thuộc hoàn toàn vào tay nghề kỹ thuật của người đầu bếp. Dầu để rán là dầu thực vật tinh khiết cao cấp, được để ở nhiệt độ phù hợp mới có thể tạo nên được những miếng đạt tiêu chuẩn Nhật. Nước chấm Tempura được pha chế từ rượu Sake, rượu ngọt, mirin và Dashi, thưởng thức cùng gừng tươi và củ cải mài. Tempura được dùng khi uống bia, rượu Sake, ăn với cơm hoặc với mì soba.

 Wasaghi – tinh hoa ẩm thực Nhật Bản

Wagashi là tên gọi chung của các món bánh truyền thống của Nhật Bản từ lâu đời, được làm từ bột nếp, nhân đậu và hoa quả, được trình bày đẹp mắt, dùng trong các tiệc trà đạo, tên gọi Wagashi có nghĩa là Vẻ đẹp tự nhiên. Xa xưa,wagashi được dùng để cúng tế các vị thần. Từ triều đại Edo thế kỷ 16 chúng được đưa vào các lễ trà đạo. Vị ngọt nhẹ nhàng của wagashi sẽ làm giảm vị chát của trà xanh. Vì thế người ta luôn dọn vào bữa trà, dùng với một cây xiên nhỏ.Wagashi cũng là biểu tượng của sự hiếu khách, người ta thường tặng nó trong các buổi lễ cưới, lễ sinh nhật…

Wagashi tượng trưng cho sự hài hòa với thiên nhiên. Người làm wagashi luôn lấy cảm hứng từ thiên nhiên bốn mùa của trời đất, từ văn chương, nghệ thuật, thơ ca.

Tùy theo mỗi mùa, những nghệ nhân làm wasaghi sẽ dùng những lọai nguyên liệu của từng mùa để cho ra đời những chiếc bánh Wagashi… độc đáo, như bánh Sakura Mochi và bánh Kashiwa Mochi chỉ có vào mùa xuân.

Chia sẻ bài viết