Tìm lối ra dựa trên giá trị cốt lõi

TTO – Luôn khám phá giới hạn của bản thân, ngay trong dịch COVID-19, những dự án mới vẫn được chị Nguyễn Thị Kim Huyền cho ra đời…

Tìm lối ra dựa trên giá trị cốt lõi - Ảnh 1.
Nguyễn Thị Kim Huyền – CEO Genki Japan House

Trong dịch, nhiều doanh nghiệp chọn cách “sống sót” bằng cách phát triển một ngành nghề khác, tạm chờ qua dịch, và khi ngành mới không còn “chạy” nữa thì sẽ quay về mảng cũ.

Nhưng với chị Nguyễn Thị Kim Huyền, chủ một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thực phẩm Nhật Bản, trong cơn hoảng loạn của dịch, càng bình tâm sẽ càng nhìn được nhiều cánh cửa mới. Đại dịch tệ hại nhưng đừng đứng yên, hãy xem đó là cơ hội để doanh nghiệp khám phá giới hạn của mình dựa trên những giá trị cốt lõi mình đang theo đuổi.

Tôi tâm niệm làm kinh doanh phải luôn sáng tạo, rõ ràng và cần chấp nhận mạo hiểm. Làm nữ doanh nhân cũng thế, cần biết chăm sóc sức khỏe, luôn làm đẹp bản thân, đó cũng là cách để cân bằng cuộc sống, nhìn nhận những giá trị mình có thể đóng góp cho cuộc đời.

Chị Nguyễn Thị Kim Huyền

Khi các “lối ra” đột ngột bị bít…

Khi hệ thống kinh doanh, kênh phân phối sỉ thực phẩm Nhật của chị Kim Huyền cho các nhà hàng, khách sạn đang hoạt động trơn tru, dịch COVID-19 ập đến. Các nhà hàng trong khách sạn vắng dần do không còn khách du lịch quốc tế, rồi xã hội áp dụng giãn cách, nhà hàng bên ngoài cũng phải tuân thủ đóng cửa. Cũng như những doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch khác, tất cả các lối ra cho công ty đột ngột bị bịt kín.

“Đối tác còn làm văn bản xin giãn nợ, giảm nợ. Mình không có doanh số phát sinh, vừa không thu hồi được tiền, lúc này gồng không chỉ cho mình mà còn cho cả đối tác”, chị Huyền chia sẻ.

Không khoanh tay, sẵn có giấy phép chiết lẻ của Cục Thú y cấp từ hồi doanh nghiệp mới hoạt động, chị chuyển phương án bán hàng online, chia nhỏ các loại thực phẩm nhập khẩu như cá hồi, lươn Nhật, sò… thành những gói nhỏ bán cho khách lẻ. 

Thế là những món hàng, nguyên liệu từ trước đến giờ chỉ bán trong các nhà hàng Nhật cao cấp đã chuyến hướng vào bếp gia đình của các bà nội trợ. Sản phẩm là các khay sashimi, sushi… được bán online với giá thấp hơn 30-50% so với ăn tại nhà hàng, giao hàng giữ mát trong thùng xốp đã thuyết phục được nhiều khách hàng. Không những thế, một số siêu thị đánh giá cao sản phẩm còn mời vào gian hàng thực phẩm tự chọn của họ.

“Đó là ngã rẽ mà khi bắt đầu tôi không nghĩ đến. Kinh nghiệm từ những ngành khởi nghiệp ban đầu đã làm nền tảng cho việc kinh doanh chuyển hướng trong điều kiện mới dễ dàng hơn. Chúng tôi từng có mô hình bán “sushi mang đi” nhưng đã đóng cửa và những chứng nhận, giấy phép của mô hình đó bây giờ là lợi thế. Thế nên nếu từng kinh doanh thất bại thì hãy nghĩ mình đã có thêm kinh nghiệm cho tương lai”, chị Huyền chia sẻ.

Hiện nay mảng kinh doanh thực phẩm bán lẻ vẫn chỉ bằng 25% so với doanh số của công ty trong thời điểm bình thường, nhưng nếu so với mức đóng góp 5% trước đó thì con số 25% đã cho thấy bước rẽ này đang đúng hướng.

Luôn khám phá giới hạn của bản thân

Ngay trong dịch, những dự án mới vẫn được chị Huyền cho ra đời. Chị khoe vừa phát triển thêm mặt hàng sushi chay, khách bây giờ không chỉ ở TP.HCM mà còn giao sushi lên tận Đà Lạt, vào các công xưởng, văn phòng… 

Chị cũng kịp học được “Marketing 0 đồng”, đã tập huấn thành thạo cho nhân viên thích ứng với kinh doanh trong bối cảnh mới, sử dụng hiệu quả mạng xã hội làm kênh truyền thông, bán hàng. Từ quen bán hàng trực tiếp cho doanh nghiệp, nhân viên bây giờ có thêm kỹ năng mới là bán lẻ cho người tiêu dùng, marketing kỹ thuật số…

“Dịch bệnh cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi: chúng tôi liệu có chuyển hướng không? Tôi nghĩ điều đó không quan trọng, mà vấn đề mình đi vào chi tiết, điều chỉnh phù hợp, để làm sao vẫn xoay quanh giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp đang vận hành, tận dụng thời cơ, sẵn sàng quay trở lại chính mình”, chị Huyền nói. 

Với suy nghĩ vậy, khi dịch dần được kiểm soát, mảng bán sỉ đang hồi phục dần, công ty còn có thêm mảng bán lẻ với dữ liệu khách hàng xây dựng được. Đó là những khách hàng rất chịu chi, với hóa đơn 2-3 triệu đồng. Trong khi trước đây, trung bình mỗi khách ra vào nhà hàng Nhật chỉ chi tiêu từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Lan tỏa tinh thần tiến bộ vì phụ nữ:

Là nữ CEO của hai công ty, chị Nguyễn Thị Kim Huyền đang hoạt động khá sôi động trong cộng đồng nữ doanh nhân với mong muốn lan tỏa tinh thần tiến bộ vì phụ nữ.

Điều thú vị, hơn 8 năm trước, chị là một trong hai đại diện gia đình Việt Nam được Chính phủ Nhật Bản mời sang Nhật để giao lưu nhờ đóng góp trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Bốn năm liền gia đình chị đã làm “host” (nhận nuôi) các thành viên trong chương trình giao lưu quốc tế của Tàu thanh niên Đông Nam Á (SSEAYP).

Đó cũng là bước ngoặt, cơ duyên giúp chị đưa văn hóa ẩm thực Nhật đúng chuẩn về Việt Nam. Cũng như khi bắt đầu với mảng kinh doanh thực phẩm Nhật, nữ doanh nhân này đã hi vọng doanh nghiệp của mình là ngôi nhà mở ấm áp, nơi mọi người có thể chia sẻ với nhau những sản phẩm, văn hóa, truyền thống của nước Nhật, dành cho những ai yêu hàng Nhật, đất nước và con người nơi ấy.

Theo Tuổi Trẻ:
https://tuoitre.vn/tim-loi-ra-dua-tren-gia-tri-cot-loi-2020091209435409.htm

Chia sẻ bài viết